Chủ tịch FTEL ‘bóc trần’ tương lai nghề nghiệp cho sinh viên ĐH Bách Khoa
Tháng Mười Một 5, 2022
Trong buổi giao lưu diễn ra vào chiều qua tại trường Đại học Bách Khoa, Chủ tịch FTEL Hoàng Nam Tiến đã có những chia sẻ về nghề, xu hướng nguồn Nhân lực trong ngành CNTT và gửi gắm một số định hướng, hành trang cho các bạn sinh viên trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Tiếp nối chuỗi nội dung Leader Talks do FHR Tập đoàn phối kết hợp cùng các đơn vị thành viên tổ chức, chiều qua ngày 4/11/2022, chương trình “Journey to your Future” với sự góp mặt của Chủ tịch FPT Telecom cùng hơn 1000 bạn sinh viên đã diễn ra tại hội trường C2 – Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh Hoàng Nam Tiến đã chia sẻ góc nhìn về xu hướng “nóng” trong ngành CNTT hiện nay, khái niệm “Lifelong learning” và những hành trang mà sinh viên ngành CNTT cần mang theo mình trước thị trường lao động đầy hấp dẫn và gợi mở.
Tầm ảnh hưởng của ngành CNTT
Trong buổi chia sẻ, anh Tiến nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lập trình viên trong quá trình làm nghề khi một sai sót nhỏ trong phần mềm cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và mỗi bạn sinh viên có thể là người sáng tạo ra những điều tuyệt vời mà cũng có thể là người tạo ra thảm họa.
Qua những ví dụ điển hình mà người đứng đầu FTEL trải nghiệm trong gần 30 năm qua, anh Tiến rất vui vì thế hệ các bạn trẻ hiện nay rất năng động và có tư duy độc lập, tư duy phản biện. Điều này vô cùng quan trọng cho sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai sau này.
Theo anh Tiến: “Hiện nay đang có 24 ngàn kỹ sư của FPT làm việc trên toàn cầu và tôi tin rằng các bạn chỉ năm nay thôi sẽ trở thành đồng nghiệp của chúng tôi. Và những năm sau các bạn sẽ từ trường Bách Khoa bay đi khắp nơi trên thế giới để chứng tỏ được tài năng của sinh viên Bách Khoa và chứng tỏ được chúng ta là những trí tuệ trẻ sánh vai được với các cường quốc năm châu”
Tương lai của cả thế giới
“Có 1 cụm từ để nói đến tương lai của cả thế giới là Máy tính lượng tử (Quantum Computing)”. Anh Tiến chia sẻ:
“Cách đây 9 năm khi tôi nói đến tương lai của AI, BigData,… rất nhiều người đã nghi ngờ nhưng ngày hôm nay thì không còn ai nghi tôi nữa. Quantum Computing là tương lai của thế giới và các bạn là những người đầu tiên tôi bật mí điều này”.
Chỉ 4 từ tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng giá trị đã khiến cho hội trường sục sôi và ngỡ ngành. Chia sẻ của chủ tich FTEL đã trở thành món quà vô giá cho các bạn sinh viên khi nhìn về tương lai nghề nghiệp đầy biến động.
Bên cạnh đó, hàng loạt các xu hướng nghề nghiệp cũng được anh Tiến nói đến trước xu thế công nghệ năm 2023 và tầm nhìn công nghệ vào năm 2030 như: Metaverse planner, human-machine teaming manager, digital currency advisor, smart home design manager.
Hành trang cần phải có
Bật mí về bản thân, anh Tiến dành thời gian để chia sẻ về lúc còn học Đại học. Những tháng ngày ham chơi, lo sợ việc phải thi lại. Bên cạnh đó, anh cũng chia sẻ 4 điều mà các bạn sinh viên cần có và “phải rèn luyện để có” không chỉ riêng ngành CNTT mà với tất cả các ngành nghề khác. Cụ thể:
- Tư duy độc lập và có năng lực phản biện
- Tiếng anh không phải là ngoại ngữ, tiếng anh là ngôn ngữ để làm việc
- “Lifelong leaning” – học tập suốt đời
- Rèn luyện sức khỏe
“Thế hệ của tôi là thế hệ One-time learning, nghĩa là cả đời chỉ cần học một lần rồi sử dụng các kiến thức đó cho suốt phần sự nghiệp của mình. Thế hệ các bạn sinh là thế hệ Lifelong learning, nghĩa là cần học cả đời. Với sự phát triển của công nghệ, máy móc dần dần thay thế con người, rất nhiều ngành nghề sẽ biến mất trong vài năm tới. Công việc các bạn đang làm hôm nay chưa chắc đã tồn tại sau 5 – 10 năm nữa” – Anh Tiến chia sẻ.
Ngoài ra, chủ tịch Hoàng Nam Tiến cũng mang đến những mói quà giá trị để tặng cho các bạn sinh viên tạo nên một bầu không khí hào hứng và vui vẻ.
Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của những vị khách mời đặc biệt đến từ FPT như Tiến Sĩ Đặng Khánh Hưng (Giám đốc Nghiên cứu tại FPT Blockchain Lab), Anh Lê Tôn Vinh (GĐ Kỹ thuật FPT Play) và anh Nguyễn Thành Long (1 trong những người khởi xướng phát triển AKACAM).
Những vị khách mời cũng mang đến những chia sẻ về công nghệ tiên tiến hiện nay và làm thế nào để sinh viên Bách Khoa có thể làm việc trong ngành CNTT.
Chương trình tuy không dài nhưng đã đem lại rất nhiều kiến thức rất bổ ích về nghề nghiệp cho hơn 1000 bạn sinh viên đến từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Những chia sẻ về xu hướng ngành CNTT và kỹ năng cần trau dồi trong thời đại mới sẽ giúp sinh viên có thêm định hướng và quyết tâm lựa chọn nghề nghiệp cho mình.